Hến là một loại thực phẩm quen thuộc, thường sống ở vùng nước lợ hoặc nước ngọt. Chính vì vậy, khu vực đầm nước lợ và các vùng nước chè hai là nơi lí tưởng để loài hến cư trú và sinh sản. Hến ở khu vực đầm An Khê có hai loại là hến búa và hến rằn, phân biệt nhau bởi kích thước và các đường vân trên vỏ.
Người dân thường khai thác hến ở các khu vực nước có độ sâu không quá 1,4m. Dụng cụ lao động là một chiếc vợt tự chế, ở miệng vợt có một miếng tôn mỏng uốn cong theo khung tròn của chiếc vợt. Người ngư dân dùng vợt sục sạo tìm hến dưới lớp cát, sau đó mang hên thu hoạch được lần lượt trút vào trong thau đã mang theo. Khi dụng cụ đựng hến sắp đầy, người dân sẽ mang hến vào khu vực gần bờ, đổ vào bao tải đã chuẩn bị và đặt ở mép nước, để hến không há miệng trước khi chế biến. Công việc này được người dân địa phương gọi là cào hến. Hoạt động cào hến diễn ra liên tục, tuỳ theo mùa mà người dân sẽ tính toán thời gian thực hiện công việc thu hoạch.
Nói đến hến, không ai còn xa lạ với loại thực phẩm đã gắn liền với văn hoá ẩm thực Việt Nam. Không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn bởi sự đa dạng trong các cách chế biến. Bà con nơi đây thường chế biến cơm hến, hến xào xúc bánh tráng, hến xào mướp hương, thịt hến xào hay nấu canh cùng các loại rau, cháo hến, đổ chả với trứng… Nước luộc hến cũng được góp mặt trong bàn ăn. Đã không ít du khách, bạn bè phương xa về Phổ Khánh tấm tắc khen vị thơm ngọt của con hến An Khê khi được mời thưởng thức những món ngon chế biến từ loài thuỷ sản này.