Cùng với các loài cá, tôm, loài rạm đã góp phần làm nên sự phong phú cho hệ sinh thái đầm An Khê và tạo nguồn lợi thuỷ sản cho ngư dân tại địa phương. Rạm là một loài cùng họ với cua, nhưng nhỏ, lớp vỏ cứng và mình dẹt hơn so với cua. Loài này chỉ sống được ở vùng nước lợ, mà đó cũng chính là tính chất nước của đầm An Khê. Mùa sinh sản thường diễn ra vào ngày trăng tròn từ tháng 4 – 5 âm lịch.
Việc bắt rạm thường diễn ra vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều muộn, khi sương chưa tan và cái nắng gay gắt bắt đầu tan biến, nhiệt độ mát mẻ. Đây là thời điểm mà loài rạm ra khỏi hang đi tìm thức ăn. Khu vực khai thác rạm thường nằm ở ven đầm, những vùng nước nông, đặc biệt là các ruộng lúa. Người dân thường sử dụng rổ tre, vợt hoặc có thể trực tiếp bắt bằng tay, do loài rạm hiền hơn loài cua.

Khi đã “lọt vào tay” người dân, rạm sẽ được bỏ vào trong thau, xô…mà người ngư dân mang theo. Nếu chưa chế biến ngay, người dân sẽ đổ nước vào trong vật dụng đựng rạm, để giữ con rạm sống. Rạm có thể được chế biến phong phú các món ăn dân dã mà thơm ngon vô cùng. Tuy nhiên, đối với bà con vùng Phổ Khánh, rạm thông thường sẽ được ram mặn (giống rim mặn) để ăn với cơm rất bắt. Chế biến đơn giản theo lối “ăn xổi ở thì” có thể đem rạm đi chiên giòn, đây cũng là một món mồi rất bén. Ngoài ra, rạm cũng có thể đem nấu canh chua, canh rau muống… Sự góp mặt của rạm vào món canh sẽ làm tăng thêm vị ngọt của món canh quê.